1. Vượt sản lượng và các hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật khác
So với năm 2020 thì năm nay tình hình thủy văn khu vực Tây Nguyên thuận lợi hơn, lưu lượng nước về các hồ chứa trên lưu vực sông Sê San đều cao hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là yếu tố quan trọng đến công tác sản xuất điện năng của các nhà máy trên bậc thang thủy điện Sê San nói chung và 3 nhà máy do Công ty Thủy điện Ialy quản lý.
Bên cạnh đó, công tác sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên các hạng mục thuộc hệ thống thiết bị công nghệ được thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ với độ tin cậy cao đã khai thác hiệu quả lượng nước về hồ trong mùa mưa. Vì thế, đến 31/12/2021, Công ty đã sản xuất được hơn 5 tỷ 256 triệu kWh điện, đạt 107,1% kế hoạch do EVN giao. Trong đó, Thủy điện Ialy >3 tỷ 564 triệu kWh; Sê San hơn 1 tỷ 230 triệu kWh và Pleikrông >460 triệu kWh. Thủy điện Pleikrông là nhà máy vượt sản lượng năm cao nhất với 27% và đã về đích rất sớm từ ngày 06/11/2021, nghĩa là đã hoàn thành kế hoạch trước 54 ngày, Ialy về đích sớm 21 ngày và Sê San 3 là 12 ngày.
Với sản lượng điện này, Công ty Thủy điện Ialy đã đóng góp đáng kể vào tổng thu ngân sách địa phương 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thông qua việc thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên nước, thuế giá trị gia tăng phí dịch vụ môi trường rừng. Tiếp tục khẳng vai trò, vị trí của Doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong năm, Công ty cũng hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật khác do EVN giao như: chỉ tiêu về điện tự dùng, hệ số khả dụng, tỷ lệ dừng máy sự cố, tỷ lệ dừng máy bảo dưỡng…
2. Dấu ấn về chuyển đổi số tại doanh nghiệp
Năm 2021, EVN chọn “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” làm chủ đề năm. Từ định hướng này, với vai trò là đơn vị thành viên EVN, Công ty Thủy điện Ialy đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) trên tất cả các mặt hoạt động. Hiệu quả mang lại chính là đã thay đổi tư duy, nhận thức của người lao động về CĐS, thay đổi phương thức làm việc trên môi trường truyền thống trước đây bằng môi trường số, dựa vào nền tảng công nghệ thông tin, internet…
Có thể kể ra đây một số hoạt động CĐS điển hình đã thực hiện thành công tại Ialy như: Năm 2021, 100% số tổ máy của Công ty đã được áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp RCM (bảo trì dựa trên độ tin cậy). Từ năm 2022 trở đi, toàn bộ các danh mục sửa chữa lớn ngoài tổ máy đều được Công ty áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp RCM; Xây dựng ứng dụng trên mobile: Khảo sát, báo cáo hiện trường phục vụ bảo trì công trình dựa trên thông tin địa lý và hình ảnh hiện trường; Số hóa quy trình xử lý khiếm khuyết thiết bị trên phần mềm PMIS thay cho quy trình truyền thống; Số hóa quy trình giám sát, nghiệm thu SCL tự thực hiện trên phần mềm PMIS thay cho quy trình nghiệm thu truyền thống; Thu thập số liệu thủy văn tự động nhập vào phần mềm PMIS thay cho nhập bằng tay; 80% quy trình nghiệp vụ được số hóa và liên thông, lĩnh vực văn phòng có đến 90% quy trình nghiệp vụ không sử dụng giấy…Nổi bật, chính là “Xây dựng ứng dụng trên mobile: Khảo sát, báo cáo hiện trường phục vụ bảo trì công trình dựa trên thông tin địa lý và hình ảnh hiện trường” đã đăng ký sáng kiến cấp EVN và được Hội đồng sáng kiến EVN đánh giá cao.
Như vậy có thể nói, CĐS là lĩnh vực tạo được dấu ấn nhất của Ialy trong năm 2021. Kết quả công tác này có thể khái quát đại ý như sau: Ở Ialy, CĐS là hành trình từ “thay đổi nhận thức” đến “hình thành ý tưởng” và “chuyển hóa vào thực tế” để “mang lại giá trị thực” và trở thành “hơi thở cuộc sống” của mỗi thành viên Ialy.
Trong năm, công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất cũng đạt kết quả tích cực với 06 giải pháp được công nhận là sáng kiến cấp Tập đoàn, tiêu biểu như: Ứng dụng mobile khảo sát, báo cáo hiện trường dựa trên thông tin địa lý và hình ảnh hiện trường của tác giả: Đoàn Tiến Cường và các cộng sự Nguyễn Nguyên Thy, Nguyễn Phúc Hiệp, Nguyễn Đình Tâm; Xây dựng Module lập phương án kỹ thuật chi tiết và Module lập dự toán sửa chữa lớn trên phần mềm PMIS, tác giả: Đinh Viết Thiện cùng Tạ Nguyên Tân, Nguyễn Công Tỵ, Đoàn Đăng Khải…
Công ty cũng đạt 02 giải Ba và 01 giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 10 năm 2021 cho các giải pháp “Điều khiển xa từ DCS các trạm bơm Nhà máy Thủy điện Ialy”; Giải pháp “Phương pháp kiểm tra và bảo dưỡng ắc quy Axít chì kín” và “Thiết kế bổ sung tổ bơm dầu do động bằng động cơ đốt trong cho hệ thống kích nâng thủy lực van cung đập tràn Nhà máy Thủy điện Sê San 3”.
3. Thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả trong năm 2022
“Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chọn làm chủ đề năm 2022 trong tình hình dịch bệnh được dự báo có tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của EVN và các đơn vị thành viên. Để vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất điện năng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, CBCNV Công ty Thủy điện Ialy nhận thức sâu sắc và sẵn sang cho tâm thế thực hiện thắng lợi chủ đề năm của Ngành, theo đó:
Công ty sẽ nhanh chóng thích ứng an toàn để tiếp tục hoạt động sản xuất trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, sản xuất. Đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Cung cấp điện đủ, kịp thời, liên tục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, an sinh và ổn định chính trị - xã hội.
Công ty phải thích ứng an toàn trong môi trường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ. Kịp thời tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới, tích cực thực hiện chuyển đổi số, song phải luôn đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an toàn hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin, an toàn hệ thống dữ liệu.
Các nhà máy của Công ty sẽ linh hoạt trong công tác vận hành hệ thống nguồn điện và lưới điện, chủ động và sẵn sàng các kịch bản ứng phó linh hoạt khi có tình huống lây lan dịch bệnh tại các đơn vị, nhà máy, địa phương hay khi có sự cố, có diễn biến bất thường của khí hậu, thủy văn. Thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, quy định về phòng chống dịch tại các cấp chính quyền địa phương, tình hình phát triển kinh tế xã hội để chủ động, linh hoạt đề ra các chủ trương, kế hoạch hoạt động SXKD phù hợp
Triệt để thực hành tiết kiệm chi phí, trong đó tiết kiệm và tối ưu chi phí thường xuyên, chi phí sửa chữa lớn, giảm tổn thất điện năng, góp phần quan trọng giảm chi phí trong năm. Thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động, năng suất yếu tố tổng hợp, hiệu quả công việc để không ngừng cải thiện năng suất lao động, giải quyết nhanh và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao./.