Tin tức sự kiện

Những điều cần biết khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19

Thứ tư, 30/6/2021 | 08:13 GMT+7
Hiện nay, Việt Nam và cả thế giới đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch COVID-19. Để phòng ngừa dịch bệnh, ngoài thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế thì chúng ta cần phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hiện nay, Việt Nam và cả thế giới đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch COVID-19. Để phòng ngừa dịch bệnh, ngoài thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế thì chúng ta cần phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin COVID-19 giúp cơ thể chúng ta sản sinh ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, các loại vắc xin phòng COVID-19 sẽ giúp làm giảm số người bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị và  giảm nguy cơ tử vong. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp hữu hiệu giúp cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường.

Hiện nay nước ta đang được triển khai tiêm Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Thông tin về vắc xin COVID-19 Astra Zeneca

- Vắc xin AstraZeneca là vắc xin phòng COVID-19 được Tổ chức Y tế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021.

- Vắc xin được sản xuất ở nhiều nước: Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản, Ấn độ…

- Tại Việt Nam vắc xin COVID-19 AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại quyết định số 983/QĐ-BYT ngày 01/02/2021.

Khám sàng lọc trước khi tiêm

(Theo Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/202 về Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca).

1. Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng: Người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin.

2. Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng

- Các trường hợp nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh lý cấp tính khác, sốt ≥ 37.5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C;

- Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù.

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19.

- Tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước.

- Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.

- Giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

3. Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng

- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

- Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định.

- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.

- Người trên 65 tuổi.

- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:

+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút

+ Huyết áp: Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg

Huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg

+ Nhịp thở > 25 lần/phút

4. Chống chỉ định

- Người có tiền sử phản vệ độ 2 với bất kỳ dị nguyên nào;

- Người có bất kỳ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Các phản ứng phụ và theo dõi sau tiêm

- Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu có các phản ứng xảy ra sau tiêm chủng.

- Theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng và tiếp tục trong 3 tuần kể từ thời điểm tiêm vắc xin.

- Một số dấu hiệu thông thường sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 như: đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, ngứa, sưng, đỏ, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin COVID-19, cho thấy cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh, các dấu hiệu trên thường hết trong vài ngày sau tiêm chủng.

- Một số phản ứng nghiêm trọng sau tiêm rất hiếm có thể xuất hiện một vài giờ hoặc một vài ngày sau tiêm phòng vắc xin COVID-19 như: tê môi/lưỡi; phát ban; ngứa, tắc nghẽn, căng cứng ở họng; thở dốc, khó thở, tăng hoặc tụt huyết áp; đau cơ dữ dội…

Nếu có các dấu hiệu bất thường nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin, CBCNV cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ theo dõi và xử lý kịp thời.

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khi tiêm

1. Khi tiêm chúng ta cần có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý: Ngủ thật ngon vào đêm trước khi tiêm, bổ sung đủ nước trước và sau tiêm, ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, nghỉ ngơi hoặc tập thể dục nhẹ nhàng.

2. Những điều không nên thực hiện: Không để bụng đói trước khi tiêm, không uống rượu, bia trước và sau tiêm, không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm, không ăn nhiều chất béo bão hòa.

Để đảm bảo hiệu quả tối đa của vắc xin mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc cách nhau từ 4-12 tuần và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% - 85% để có miễm dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tiêm vắc xin COVID-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin và theo dõi sức khoẻ. Và Chúng ta "Hãy cùng nhau thực hiện biện pháp 5K + Vắc xin để phòng chống dịch COVID-19".

                                                                                                

Hải Phương tổng hợp từ nguồn Bộ y tế